Vị trí của công việc trong cuộc sống của các bạn trẻ
19/10/2015
10305
Với câu hỏi: “Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của các em?”, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đã mở ra một chủ đề gây khá nhiều tranh luận giữa thầy và trò trong giờ Oden giúp các bạn học viên trẻ nhìn nhận lại tầm quan trọng của công việc - điều trước đây đối với các bạn là thứ yếu.
00:00
00:00
Công việc quan trọng bao nhiêu?
Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là điều cần kíp, không thể thay thế được, nếu thiếu đi điều ấy cuộc sống sẽ rơi vào ngõ cụt, bế tắc.Với thế giới quan khác nhau, điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Thông qua những trao đổi giữa thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn và các bạn học viên có thể thấy “điều quan trọng nhất trong cuộc sống” của các bạn xoay quanh: sức khỏe, gia đình, thời gian, hạnh phúc, niềm tin, tri thức, đạo đức,…
Lẽ dĩ nhiên, gia đình và sức khỏe là hai điều quan trọng nhất đối với đa số học viên tham dự buổi Oden. Nhưng thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn lại phủ định sự chọn lựa của các bạn, một sự phủ định cố tình tạo ra tranh luận để giúp các bạn trẻ nhận ra tầm quan trọng của công việc. Công việc tạo ra thu nhập để nuôi sống gia đình và chi phí cho sức khỏe. Khi các bạn còn trẻ, sức khỏe luôn tràn đầy và ở tuổi trưởng thành các bạn cần phải bước ra khỏi sự bảo bọc của gia đình để xây dựng cuộc đời của chính mình.
“Dù sức khỏe là vốn quý giá nhất của con người, cứ giả định rằng chúng ta không bao giờ ốm đau hay bệnh tật nhưng không làm việc để nuôi sống bản thân thì cuộc sống của chính chúng ta sẽ bị de dọa bởi đói khát chính vì thế sức khỏe chưa phải là điều quan trọng nhất. Chúng ta luôn cảm thấy thiếu thời gian, luôn cho rằng thời gian là điều tối quan trọng bởi vì chúng ta không biết cách làm chủ nó. Hạnh phúc thực ra chính một trạng thái tột cùng của niềm vui, khi đạt được rồi vẫn có thể mất đi và được thay thế bằng một hạnh phúc khác. Tất cả những điều các em đề cập đều vô cùng quan trọng nhưng nếu các em sống trong tình trạng thất nghiệp, không tạo ra thu nhập thì những giá trị được cho là quan trọng nhất sẽ mất cân bằng và nhanh chóng trở thành điều thứ yếu.”
Nếu kiếm ăn là quy luật để tồn tại trong thế giới động vật thì làm việc là chân lý sống trong thế giới của con người. Chúng ta chỉ được miễn trừ điều này khi còn là một đứa trẻ. Dù không làm việc nhưng một đứa trẻ vẫn tiếp tục phát triển, tiếp tục lớn lên vì nhận được sự dưỡng dục của gia đình. Nhưng ở tuổi trưởng thành, nếu tiếp tục dựa dẫm vào gia đình, không thoát khỏi cái bóng lớn của gia đình thì bản thân sẽ trở thành “công dân tầm gửi” sống bám vào gia đình và vô trách nhiệm với chính mình.
Quá trình phát triển từ ấu thơ đến người trưởng thành là một sự xác nhận lại vai trò của gia đình. Chính trong giai đoạn được gia đình chăm sóc và giáo dục, tình cảm gia đình được nuôi dưỡng, lẽ dĩ nhiên gia đình trở thành giá trị tinh thần thiêng liêng và quan trọng nhất. Nhưng khi gia đình đã hết trách nhiệm nuôi dưỡng một công dân trưởng thành, mỗi người phải tự thân nuôi sống mình và duy trì tất cả những giá trị được xây dựng trong 20 năm sống cùng gia đình. Từ đây cần xác lập một giá trị tối quan trọng khác, đó là công việc và khả năng tự làm việc để sống.
Sinh sống và làm việc ở cả hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản, thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn có cơ hội quan sát và thực hiện phép so sánh văn hóa giữa gia đình Nhật và gia đình Việt. Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn chia sẻ những trải nghiệm thú vị về sự khác biệt văn hóa gia đình giữa hai đất nước:
Sự gắn kết trong mối quan hệ gia đình của người Việt có tính phụ thuộc qua lại. Cha mẹ nuôi dưỡng con cái khi chúng còn nhỏ và con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Gắn kết trong các gia đình Nhật là sự gắn kết trong độc lập. Cha mẹ Nhật đề cao tính tự lập và tôn trọng tính độc lập của con cái khi còn nhỏ và của chính mình lúc về già. Người Nhật khi bước vào tuổi thành nhân sẽ tự tìm việc để nuôi sống bản thân và chi trả cho các khoản phí. Người già ở Nhật tự chi trả cuộc sống bằng lương hưu mà không cần sự chăm sóc của con cái. Ý thức rõ ràng về tính tự lập khi ở độ tuổi chưa có khả năng lao động và không có khả năng lao động nên người Nhật coi công việc là điều không thể thiếu, là giá trị cốt lõi tạo ra những giá trị khác trong đời sống. Biểu hiện đặt trưng của ý thức xem trọng công việc của người Nhật được thể hiện ở chỗ: họ đặt trách nhiệm lên hàng đầu, hết mình vì công việc, cầu toàn và xem trọng sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm.
Ở Nhật, vào ngày Chủ Nhật, tuần thứ hai của tháng một, những thanh niên hai mươi tuổi sẽ tham gia lễ thành nhân để được thừa nhận là một người trưởng thành có trách nhiệm xã hội. Từ tuổi 20, thanh niên Nhật đã bắt đầu tự lập, sống tách khỏi gia đình, tự làm việc để chi trả sinh hoạt phí và học phí. Nếu không tìm được công việc ổn định đời sống của họ sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, bất lực và mất kiểm soát. Chính đặc tính xã hội Nhật đã đưa công việc lên vị trí quan trọng hàng đầu, không thể thay thế trong đời sống của người Nhật.
Ở Việt Nam, do tập tính xã hội con cái sẽ được cha mẹ nuôi cho đến lúc tốt nghiệp đại học và xin được việc làm, thậm chí khi chưa xin được việc, đời sống của họ vẫn không quá khó khăn vì vẫn có thể trông chờ vào chu cấp của gia đình nên công việc không phải là điều quan trọng nhất trong đời sống của người Việt.
Tình yêu thương đi cùng với sự tôn trọng tính độc lập của gia đình Nhật đã đặt thanh niên Nhật vào đúng vai trò và trách nhiệm của họ với chính họ và xã hội khi bước qua tuổi thiếu niên. Tình yêu thương, bảo bọc tuyệt đối của cha mẹ Việt đã khiến giới trẻ Việt chậm trưởng thành và mất khả năng đương đầu với những áp lực trong công việc, bởi không có công việc vẫn có thể dựa vào gia đình.
Trong gia đình Việt Nam, cha mẹ sẵn sàng làm việc để nuôi đứa con thất nghiệp; người anh, người chị có thu nhập có thể chấp nhận đùm bọc đứa em thất nghiệp. Chính vì thế, tích lũy kinh tế gia đình luôn bị hạn chế. Còn trong cuộc sống gia đình Nhật, mỗi người trưởng thành chỉ cần tự có trách nhiệm nuôi sống chính mình nên mỗi thành viên trong gia đình đều tự chủ và có tích lũy về tài chính. Kinh tế gia đình Việt nghèo hơn kinh tế gia đình Nhật không hẳn vì sự chênh lệch của hai nền kinh tế mà chính ở lối suy nghĩ và cách thương yêu, nếp sống gia đình khác nhau ở mỗi đất nước.
So sánh của thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn giúp các bạn trẻ đối chiếu khả năng tự lập của mình để xác lập lại vai trò nền tảng của việc làm trong đời sống, từ đó xây dựng thái độ trách nhiệm với công việc đang nuôi sống mình.
Thay đổi cách ứng xử với công ty và công việc
Công việc tạo ra thu nhập đảm bảo về mặt vật chất cho những giá trị tinh thần quan trọng nhất đối với các bạn trẻ. Nhưng giá trị cốt lõi và nền tảng nâng đỡ mọi giá trị của công việc chưa được nhìn nhận đúng đắn và thường bị xem nhẹ. Phản biện của thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đưa công việc về đúng vai trò của nó trong cuộc sống: “Gia đình chỉ quan trọng nhất đối với những người phụ thuộc vào gia đình. Còn đối với những người đã trưởng thành công việc mới là “điều quan trọng nhất”. Bởi vì, chỉ có làm việc mới giúp các em tự nuôi sống bản thân để duy trì và chịu trách nhiệm với tất cả những giá trị sống thuộc về các em.Chính vì không xem trọng công việc nên các em cho rằng công việc là điều có thể thay thế và từ bỏ. Với suy nghĩ này, các em sẽ làm việc với thái độ không chú tâm, chỉ cần gặp khó khăn hoặc bị tác động là dễ dàng bỏ việc hoặc nhảy việc. Nhưng khi nhảy việc quá nhiều dẫn đến hệ quả việc làm -“giá trị quan trọng nhất” sẽ trở thành “giá trị tạm bợ”. Cuộc sống của các em sẽ rơi vào khó khăn và chính các em sẽ trở thành gánh nặng của gia đình khi không có một công việc ổn định và đảm bảo.”
Ở Việt Nam, nhân viên có xu hướng ít gắn bó với công ty và công việc, xem công ty và công việc là phương tiện kiếm sống, việc của công ty không được nhìn nhận như việc của chính cá nhân nên trong công việc nhân viên chỉ dừng lại ở thái độ đảm bảo trách nhiệm chứ không công hiến hết mình. Chính vì mối quan hệ gắn kết trên cơ sở lợi ích nên khi công việc bất lợi, công ty khó khăn hoặc tìm thấy một công ty khác đáp ứng nhiều lợi ích hơn (lương cao, điều kiện thuận lợi), nhân viên sẵn sàng nhảy việc mà không xem xét đến những khó khăn và mất mát của công ty cũ trong việc đào tạo và tái cấu trúc nhân sự.
Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn đưa ra quan điểm của mình về thói quen nhảy việc của nhân sự trẻ hiện nay để giúp các bạn học viên có cái nhìn đa chiều về mối quan hệ giữa công việc, công ty và nhân viên: “Với nhân viên trẻ, sự thành thạo trong công việc không quan trọng bằng mức lương nên họ nhảy việc liên tiếp để tìm cho được công việc lương cao. Nhưng nhảy việc nhiều lần làm mất đi sự tin tưởng của nhà tuyển dụng dành cho ứng viên. Kinh nghiệm của một ứng viên thường xuyên nhảy việc là kiểu kinh nghiệm chắp vá, không được tích lũy xuyên suốt trong quá trình làm việc nên khó có thể đạt hiệu suất cao trong công việc mới. Do sự nhìn nhận sai lệch về tầm quan trọng của việc làm trong đời sống mà nhân sự trẻ dễ dàng chuyển từ việc này sang việc khác, công ty này sang công ty khác vì những lý do được xem là có tầm quan trọng hơn xuất phát từ cá nhân và gia đình.
Các em chưa hiểu rằng làm việc là phục vụ lẫn nhau. Các em làm việc hết mình sẽ giúp công ty đem về lợi nhuận cao. Từ đó, công ty mới có quỹ lương dồi dào để chi trả xứng đáng công sức mà các em đã bỏ ra.
Không có nghề sang cũng không có nghề hèn. Thầy cảm phục anh thợ hớt tóc, cô bán phở bởi họ có sản phẩm để phục vụ người khác. Những ai hiểu sâu sắc ý nghĩa của làm việc và có tinh thần phục vụ càng cao thì nhất định sẽ thành công. Nếu các em là nhà tuyển dụng đang có sự lựa chọn giữa hai ứng viên, các em sẽ chọn người nào trong buổi phỏng vấn nếu họ nói: “tôi đi làm là để kiếm tiền lo cho gia đình” và “tôi đi làm là để phục vụ người khác”. Lẽ hiển nhiên, với một ứng viên coi trọng gia đình họ sẽ dễ dàng bỏ việc, bỏ công ty vì lý do gia đình. Nhà tuyển dụng nào lại có ý định thuê một nhân sự chỉ xem công ty như công cụ kiếm tiền để vun vén cho những dự định cá nhân, gia đình?”
Từ những kết luận trên thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn dành cho các bạn trẻ lời khuyên hữu ích và lời nhắn nhủ chân thành: “Nếu các em theo đuổi một nghề duy nhất các em sẽ thành công. Khi các em còn trẻ, công việc có thể gặp rất nhiều khó khăn nhưng qua thời gian nghề sẽ thành nghiệp các em sẽ am hiểu và thành thạo công việc của mình. Khi xây dựng chương trình đào tạo Thực tập sinh kỹ năng tại Nhật thầy không hướng các em đến mức lương cao. Điều thầy thực sự mong mỏi là thông qua chương trình này các em học được nghề nghiệp ổn định từ một đất nước phát triển như Nhật Bản. Nếu thực sự có hoài bão và chí lớn thầy mong các em trở thành những người làm chủ đem lại việc làm cho người lao động, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, phục vụ cho chính người dân Việt, không chờ đến các nhà đầu tư nước ngoài vào để khai thác thị trường nội địa của chính chúng ta.”
Công việc, gia đình, sức khỏe,… hay bất cứ giá trị nào đều có sự tác động lẫn nhau, đều quan trọng và cần thiết trong đời sống. Thành công và hạnh phúc bắt nguồn từ việc nhìn nhận đúng bản chất và giữ cân bằng giữa các giá trị. Những ý kiến và phản biện của thầy và trò trường KaizenYoshidaSchool về những điều quan trọng không đơn thuần chỉ để đo đếm tầm quan trọng của các giá trị mà thực chất là để hiểu và cân bằng cuộc sống.
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.