scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Dấu ấn từ những cái nhất
16/09/2015
1131
ESO - Nhật Bản có nhiều cái nhất ở Việt Nam. Đó là tới Việt Nam sớm nhất, ODA nhiều nhất, FDI cũng từng lớn nhất. Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận chìa khóa trong Lễ bàn giao Hệ thống thông quan hàng hóa tự động Việt Nam VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản  tài trợ (tháng 4-2014).


Dấu ấn từ những công trình thế kỷ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn cam kết lên tới khoảng 2.325,6 tỷ Yên Nhật (tương đương 23,157 tỷ USD). Các dự án vay vốn ODA Nhật Bản được tập trung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, đã và đang đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp hoá của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18-9-2015:

Nhận lời mời của Thủ tướng Nội các Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18-9-2015. Đề cập về chuyến thăm này, ông Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng nhận định: “Chúng ta kỳ vọng chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ là một dấu mốc quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” theo phương châm “Tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai”. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục tiến về phía trước với nhiều hứa hẹn tốt đẹp”.


Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số vốn ODA của Nhật Bản đã lên đến gần 6 tỷ USD trên tổng số là 9,3 tỷ USD vốn ODA của toàn ngành. Không khó để liệt kê những công trình tầm vóc mang đậm dấu ấn Nhật Bản.
Theo Bộ GTVT, từ năm 1993 khi các nhà tài trợ bắt đầu cung cấp ODA cho Việt Nam, Nhật Bản (thông qua OECF - Quỹ Hợp tác Kinh tế Hải ngoại Nhật Bản, nay là JICA - Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) cùng với Ngân hàng thế giới, Ngân hàng ADB đã quan tâm ưu tiên cải tạo nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 1 - tuyến huyết mạch của đất nước và đến năm 2008 đã hoàn thành toàn tuyến, kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt là các công trình hầm, cầu vượt sông lớn có công nghệ hiện đại trên các tuyến quốc lộ trọng yếu cũng đã được Nhật Bản hỗ trợ vốn và công nghệ để xây dựng như hầm Hải Vân (JICA); cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thanh Trì, Nhật Tân (JICA); Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện,… Ngoài ra, trong thời gian qua, JICA đã hỗ trợ Bộ GTVT nghiên cứu tổng thể về tuyến đường sắt hiện tại và đường sắt tốc độ cao để có chiến lược huy động vốn nâng cấp tuyến đường sắt hiện có phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tầm nhìn xa hơn về tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1,435m tốc độ cao.

Với lợi thế là quốc gia có bờ biển dài, việc phát triển hệ thống cảng biển với vai trò cửa ngõ thông thương hàng hóa XNK quốc tế là hết sức quan trọng. Nhật Bản cũng là một trong những đối tác đầu tiên quan tâm tài trợ vốn đầu tư các dự án như: Triển khai dự án nâng cấp cảng Hải Phòng, cảng nước sâu Cái Lân cho khu vực phía Bắc; cảng Tiên Sa - Đà Nẵng cho khu vực miền Trung và cảng Cái Mép - Thị Vải cho khu vực phía Nam.

Trong lĩnh vực hàng không, bắt đầu từ năm 2002, JICA đã tài trợ vốn để xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2008. Mới đây nhất, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài do JICA tài trợ cũng đã được hoàn thành. Đây là hai Cảng hàng không quan trọng bậc nhất của Việt Nam kết nối với thế giới. JICA cũng đã hỗ trợ Bộ GTVT nghiên cứu chuẩn bị dự án theo hình thức PPP Dự án sân bay quốc tế Long Thành thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Dự án này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 25-6-2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai các bước để lập báo báo nghiên cứu khả thi dự án.

Nhà đầu tư FDI đáng tin cậy

Ngoài ODA, Nhật Bản cũng ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ thu hút FDI của Việt Nam. Trong hai năm liên tiếp 2012 và 2013, Nhật Bản đều dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam. Còn theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20-8-2015, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là gần 40 tỷ USD. Trong đó, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư là 9 tỷ USD là dự án lớn nhất của Nhật Bản vào Việt Nam và cũng là một trong những dự án FDI lớn nhất Việt Nam.

Trong nhiều lần trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài đều đánh giá rất cao những nhà đầu tư Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, DN Nhật rất khó tính nhưng họ nghiêm túc. Họ xác định vào đầu tư ở Việt Nam không phải là ngẫu nhiên vì họ đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ rất lâu. “Tôi đã có thời gian hơn 10 năm hợp tác làm việc với Nhật thì thấy họ làm việc rất cẩn thận, có những việc tôi cảm giác chỉ làm trong mấy tháng là xong thì họ phải làm kĩ càng trong mấy năm. Cho nên khi họ chọn Việt Nam rồi thì tương đối yên tâm, mọi thứ đều rõ ràng. Nhìn chung các nước như Nhật Bản, Liên minh châu Âu-EU, Mỹ đầu tư nhiều vào Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, thay đổi lề thói làm việc, tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu cơ hội cho tham nhũng” - ông Toàn nói.

Trong buổi ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản - Japan Desk với 3 văn phòng đặt tại 3 khu vực của Việt Nam vào cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng thổ lộ: “Có chuyên gia nói với tôi Nhật Bản có 3 cái nhất ở Việt Nam. Đó là tới Việt Nam sớm nhất, ODA nhiều nhất, FDI cũng lớn nhất. Nhật Bản cũng là bạn hàng uy tín nhất, quản trị cũng là hàng số 1, kỷ luật chấp hành luật pháp và thực hiện cam kết với Chính phủ cũng xếp hạng nhất”.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng là thị trường đầy hấp dẫn cho các mặt hàng XK của Việt Nam, đặc biệt là nông sản. Theo Bộ Công Thương, tuy có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng 8 tháng năm 2015, kim ngạch XK của DN Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt 9,3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các thị trường XK lớn của Việt Nam.

Khi đề cập đến việc mở rộng quan hệ kinh tế Việt Nam-Nhật Bản trong một hội thảo có sự tham dự của đại diện JICA, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đã đề nghị xóa bỏ tất cả các rào cản và phân biệt quốc gia để tự do hóa lưu thông các yếu tố sản xuất như vốn, công nghệ, nguyên vật liệu, lao động… giữa hai nước. “Chúng tôi mong ngóng Nhật xóa hàng rào thuế quan, giảm rào cản để hàng Việt Nam vào Nhật Bản” - ông Ánh nói.


 Theo Hải Quan Online

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này