scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt hơn 37 tỷ USD
18/03/2015
1684
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến hết tháng 2-2015 Nhật Bản là một trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2.556 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư là 37,37 tỷ USD.

Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 9,68 tỷ USD

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2015 Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam với 25 dự án cấp mới và 17 dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư là 169,83 triệu USD, là nhà đầu tư thứ 3 sau BritishVirginIslands và Hàn Quốc.

Hiện nay lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1.316 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,11 tỷ USD (chiếm 83,3% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn là 1,66 tỷ USD (chiếm 4,5% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,17 tỷ USD (chiếm 3,1% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành, lĩnh vực khác.

Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với tổng vốn đăng ký là 9,68 tỷ USD (chiếm 26% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Hà Nội với 636 dự án, với với tổng vốn đầu tư  là 4,08 tỷ USD (chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng  thứ 3 với tổng số vốn là 3,85 tỷ USD (chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư).

Thực tế, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Năm 2014, vốn đầu tư từ quốc gia này giảm mạnh, đưa Nhật Bản ra khỏi top 3 quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất.

Lý giải với báo giới về một số nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này bên lề buổi lễ công bố báo cáo “Kết quả điều tra hoạt động của các doanh nghiệp Nhật tại châu Á, châu Đại Dương” hồi tháng 2 vừa qua, ông Yasuzumi Hiro, Giám đốc điều hành JETRO tại TP HCM chia sẻ: Đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam giảm chủ yếu do đồng Yên mất giá trị so với đồng USD. Nếu lúc trước chỉ cần đầu tư 100 đồng thì nay cần đến 150 đồng khiến nhà đầu tư Nhật có tâm lý chờ đợi tỉ giá cải thiện.

“Cách đây 3 năm, chúng tôi trải qua một trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở vùng Đông Bắc làm nhiều nhà cửa, nhà máy bị phá hủy… Sau đó, do có nhu cầu lớn về tái thiết, xây dựng lại các khu vực này nên doanh nghiệp Nhật đã dồn vốn đầu tư vào đây” - ông Yasuzumi Hiro nói.

Ngoài ra, theo đại diện JETRO, một vấn đề khác là nền kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay không được tốt lắm nên nhiều doanh nghiệp Nhật đợi kinh tế có dấu hiệu tích cực mới quyết định đầu tư mở rộng.

“Điều này lý giải vì sao số dự án đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam không giảm nhiều nhưng số vốn đầu tư mở rộng lại giảm khá mạnh. Tất cả là do tâm lý chờ thời của doanh nghiệp Nhật” - ông Yasuzumi Hiro cho biết.

Theo báo Hải quan Online

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này