Sáng 19/2, Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada đã đến thăm cầu Cần Thơ và tưởng niệm 55 nạn nhân tử nạn trong sự cố sập hai nhịp dẫn cầu 7 năm trước.
00:00
00:00
Đại sứ thắp hương trước bia tưởng niệm 55 nạn nhân tử nạn cầu Cần Thơ. Ảnh: An Nhơn
Cùng với Đại sứ Hiroshi Fukada, đại diện của Công ty xây dựng Taisei - nhà thầu chính xây dựng cầu Cần Thơ, cũng tới đã đặt vòng hoa và thắp hương tại đài tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào tháng 9/2007.
"Với tư cách là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, tôi thay mặt Chính phủ Nhật Bản xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình nạn nhân. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng và nỗ lực không để sự cố như vậy xảy ra", Đại sứ Hiroshi Fukada chia sẻ với VnExpress.
Nhậm chức Đại sứ tại Việt Nam hồi tháng 9/2013, ngài Hiroshi Fukada cho biết đây là lần đầu tiên ông đến thăm cầu Cần Thơ. "Khi sự cố sập cầu xảy ra, tôi còn làm việc ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam, tôi sẽ nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng", ông Hiroshi Fukada nói.
Sau khi thắp hương tưởng niệm các nạn nhân, Đại sứ Hiroshi Fukada đã tới thăm Trường Đại học Cần Thơ. Buổi chiều cùng ngày, ông sẽ gặp và trao đổi với Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng về hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam tại khu vực sông Mê Kông.
Đại sứ cùng đại diện nhà thầu cúi đầu tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: An Nhơn
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối Cần Thơ và Vĩnh Long, được khởi công xây dựng tháng 9/2004, dự kiến hoàn thành cuối năm 2008. Tuy nhiên, sáng 26/9/2007, công trình phải dừng thi công khi hai đoạn nhịp cầu dẫn phía bờ Vĩnh Long dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m vừa được đổ bêtông ngày hôm trước đã đổ ập xuống.
Khi nhịp cầu sập xuống có khoảng 120 công nhân đang làm việc trên đoạn dầm và khoảng 100 công nhân làm việc ở phía dưới. Tai nạn làm 55 người chết, 80 người bị thương.
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ được xem là một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam. Tai nạn khiến tiến độ hoàn thành cầu bị trễ hơn một năm. Tại thời điểm khánh thành tháng 4/2010, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.
Theo VnExpress
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.