scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Đón “làn sóng” đầu tư mới từ Nhật Bản
16/10/2014
926
Theo số liệu thống kê chưa chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), 50% trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản có ý định đầu tư ra nước ngoài muốn hướng tới thị trường Việt Nam.

Để đón làn sóng đầu tư này, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam cần thay đổi cách thức tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản.

50% doanh nghiệp Nhật Bản muốn vào Việt Nam

Lắp ráp xe máy tại Công ty Honda Việt Nam, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

DNNVV đóng vai trò lớn trong nền kinh tế Nhật Bản, chiếm đến 97% số DN ở quốc gia này. Chính vì thế, chính phủ Nhật Bản đã ban hành rất nhiều chính sách kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các DNNVV phát triển và đầu tư ra nước ngoài. Theo số liệu thống kê chưa chính thức của JCCI, số người Nhật sinh sống tại Việt Nam hiện đã lên đến 10.000 người. Số DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng gia tăng ấn tượng đạt con số 1.000 DN. Có đến 70% số DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến quan trọng để đầu tư. Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Văn Tầu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ, Việt Nam được các DN Nhật Bản đánh giá cao hơn Thái Lan gấp 2,8 lần và đứng vị trí cao nhất, tới 20,6% các nước trong danh sách ưu tiên mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang một nước khác. 

Ông Nogo Kondo - đại diện một công ty Nhật đang tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam cho biết, dân số Nhật Bản đang già đi nên cơ hội cho các SMEs Nhật Bản cũng đang hẹp lại, các DN Nhật đang muốn tìm tới những thị trường có dân số trẻ, nhiều tiềm năng như Việt Nam. Xu hướng này ngày càng rõ rệt khi những năm gầy đây, Nhật Bản và Việt Nam đang nới lỏng các rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, đồng thời xác định mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư vào năm 2020. Ông Đinh Ngọc Hải - Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá, xu hướng đầu tư của các công ty Nhật đang được đa dạng hóa, từ chỗ chỉ là các DN lớn và tập trung vào lĩnh vực sản xuất thì nay đã mở rộng sang các DNNVV trong các lĩnh vực dịch vụ, CNTT, nhân lực, nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. DN Nhật có nguồn vốn dồi dào hơn và được sự hỗ trợ từ ngân hàng Nhật với lãi suất rất thấp nên DN Việt Nam có thể hợp tác liên doanh, mua bán - sáp nhập với DN Nhật để tận dụng được công nghệ kỹ thuật và trình độ quản lý của người Nhật, đồng thời giải quyết khó khăn về vốn. "Tuy nhiên, so với các DN, tập đoàn lớn, DNNVV có những điều kiện khác biệt, do đó, các DN, cơ quan Chính phủ Việt Nam cần có những thách thức tiếp cận hiệu quả hơn với DN này" - ông Hải chia sẻ.

Sản xuất hàng điện tử tại Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh

Thay đổi cách tiếp cận

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, trong vòng 2 năm qua, số dự án vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất tăng lên đáng kể, số công ty trong ngành hỗ trợ cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả thu hút DNNVV Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng và tiềm năng giữa hai nước. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Tầu là do Việt Nam chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa DNNVV và các DN Nhật Bản lớn, chưa hiểu rõ các DNNVV Nhật Bản, cơ sở hạ tầng và dịch vụ của Việt Nam vì thế chưa được thiết kế để phù hợp với DNNVV… Điểm yếu cạnh tranh của Việt Nam hiện nay là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp (32,2%), bên cạnh đó là thủ tục hành chính về hải quan, thuế còn phức tạp…

Trong khi đó, đặc điểm của DNNVV Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài là rất thận trọng và đa số chưa từng có kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài. Các DNNVV Nhật Bản muốn đầu tư vào những nơi có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt an toàn vệ sinh và môi trường khu công nghiệp phù hợp; có dịch vụ logistic, nhà ở, trường học, bệnh viện… hoàn chỉnh; có nguồn lao động hiểu phong cách làm việc, văn hóa và tiếng Nhật…

Từ thực tế trên, Hội DN Việt Nam tại Nhật Bản kiến nghị, cần sớm có địa chỉ cung cấp thông tin, bức tranh đầy đủ nhất cho DNNVV Nhật Bản về tình hình đầu tư vào Việt Nam, đồng thời nắm bắt đầy đủ và chính xác về nhu cầu của DNNVV Nhật Bản và đáp ứng các nhu cầu đó một cách hiệu quả. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu nêu trên để cải thiện sức cạnh tranh, tăng sức hút đầu tư không chỉ từ DN Nhật Bản mà còn để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Theo Báo Kinh tế & Đô thị điện tử

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này