scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Việt Nam "rộng cửa" đón NĐT Nhật Bản
27/05/2014
749
Thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam là cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Nhật Bản vẫn là NĐT lớn nhất tại Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối tháng 4 năm 2014, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2266 dự án và 35,51 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (1.865 dự án, tổng vốn đăng ký 19,53 tỷ USD). Đứng thứ hai là hình thức liên doanh với 364 dự án, tổng vốn đăng ký 14,82 tỷ USD. Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo thống kê, các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 18 ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và đang tăng cường tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài như: công nghiệp chế biến, chế tạo (1227 dự án, tổng vốn đăng ký 29,9 tỷ USD, kinh doanh bất động sản (30 dự án, tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD), xây dựng (56 dự án,tổng vốn đăng ký 1,06 tỷ USD) ...và đầu tư vào 49 tỉnh và địa phương trong cả nước. Trong đó, Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với 9 dự án có tổng vốn đầu tư 9,68 tỷ USD. Đứng thứ hai là Bình Dương với 224 dự án với tổng vốn đầu tư 4,18 tỷ USD. Tiếp theo là các địa phương Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai...

Ở phía ngược lại, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới có 26 dự án đầu tư tại Nhật Bản với tổng vốn đầu đăng ký tư là 4,6 triệu USD.

Không chỉ là nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam, Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam.

Năm 2013 là năm thứ 21 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam, với tổng số vốn cam kết hiện nay lên tới xấp xỉ 2000 tỷ JPY, tương đương 21 tỉ USD. Hiện nay, mức viện trợ vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 200 tỷ Yên/năm, tập trung vào các lĩnh vực chính như Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; Cải thiện về mặt xã hội, đời sống và rút ngắn chênh lệch; Bảo vệ môi trường; Nâng cao năng lực quản lý hành chính.  

Cam kết hỗ trợ DN Nhật

Để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, mới đây nhất, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam với tên gọi “Việt Nam - điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản” chính thức được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam: Cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã có nền tảng quan hệ lâu đời và nhiều nét văn hóa tương đồng, trong lịch sử hiện đại, sau hơn 40 năm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thiết lập, mối quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, tài chính, thương mại giữa 2 nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt sau chuyến thăm cấp Nhà nước tại Nhật Bản gần đây, lãnh đạo hai nước thống nhất và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh của châu Á.

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35,4 tỷ USD. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Nhật Bản năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD. Trong 20 năm qua, Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn cam kết lên đến hơn 21 tỷ USD, trong đó tập trung cho các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Hầu hết các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư Nhật Bản hiện cũng chiếm tỷ trọng rất lớn, 40% trong tổng số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trên TTCK Việt Nam.

Bộ trưởng cũng khẳng định các nhà đầu tư Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Nhật Bản. Việt Nam cam kết cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, minh bạch và cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Cũng thông qua quá trình cổ phần hóa, tăng vốn, tìm nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ tìm được cơ hội đầu tư vào DN Việt Nam trong thời gian tới.

Chính phủ Việt Nam luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào công cuộc cải cách nền kinh, đặc biệt là cải cách khối DNNN và hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán. Trước sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều cuộc tiếp xúc theo nhóm hoặc One-One giữa các DN sắp cổ phần hóa và nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản đã diễn ra trước khi có quyết định gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Sự kiện mới đây nhất là vụ nhiều DN bị đập phá do diễn biến phức tạp về tình hình Biển Đông cũng không làm nản lòng các nhà đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó có DN Nhật Bản. Đại diện một ngân hàng là đối tác lớn của ngân hàng Việt Nam, ông Yasuo Matsuyama, Giám đốc Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU) - Chi nhánh Hà Nội đã cho biết: Hoạt động của BTMU vẫn diễn ra bình thường. BTMU coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng và giữ vững cam kết, tiếp tục làm đầu mối kết nối khuyến nghị khách hàng đầu tư vào Việt Nam.

Với thông điệp "Chính phủ Việt Nam luôn làm hết sức mình để tạo mọi thuận lợi và đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư theo đúng các quy định pháp luật và cam kết quốc tế của Việt Nam." Cùng với đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới NHNN có các biện pháp giữ ổn định thị trường tiền tệ, giữ an toàn hệ thống, đặc biệt là đảm bảo an toàn tài sản cho các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam... một lần nữa sẽ là cam kết hỗ trợ mạnh mẽ nhất của Chính phủ Việt Nam tới các nhà đầu tư.

Theo eFinance

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này