scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản hỗ trợ mạnh cho điện tái tạo
10/02/2014
1580
Nhật Bản đưa ra minh chứng về nhu cầu năng lượng trong tương lai. Từ đó xây dựng lộ trình cho ngành điện tái tạo dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ, hợp tác xây dựng mạng lưới điện tái tạo quốc tế.

Nhật Bản không phải là một cường quốc về năng lượng tái tạo nói chung và điện tái tạo nói riêng. Tuy nhiên, tính đến năm 2010, lượng điện tái tạo của Nhật chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện quốc gia. Đến nay, hàng loạt công ty tư nhân tại Nhật mạnh dạn đầu tư vào ngành này và phát triển nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ nói được làm được của chính phủ.

Chi phí sản xuất cao là bài toán khó

Tại chuỗi hội thảo An ninh con người và Khoa học năng lượng được tổ chức tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) ngày 15-1-2014, TS Hiroaki Nagayama (ĐH Kyoto) cho biết việc sản xuất điện tái tạo thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, ngay cả đối với các nước phát triển. Ông Hiroaki lấy ví dụ tại Đức, một cường quốc điện tái tạo, giá trị sản xuất và đưa vào sử dụng của điện gió cao gấp đôi so với điện hạt nhân, than hay gas; trong khi giá cả sản xuất điện mặt trời còn cao hơn rất nhiều so với điện gió.

Tại Nhật Bản, các chi phí sản xuất bao gồm tiền mặt bằng xây dựng nhà máy, bảo trì… đều rất cao. Tại cơ sở sản xuất điện gió của Công ty Kansai (Osaka), để vận hành sáu tua-bin gió trong vòng 20 năm, nhà đầu tư phải bỏ vốn ban đầu là 500 triệu yen, tương đương 5 triệu USD. Chưa kể mỗi năm chi phí bảo trì là 40 triệu yen, tương đương 400.000 USD. Do đó, giá thành sau khi sản xuất rất cao, khoảng 40 yen/kW (khoảng 8.000 đồng VN).


Trang trại điện mặt trời của công ty tư nhân Nikke tại TP Okashi hiện đang cung cấp điện cho 3.800 hộ dân sử dụng

Tương tự, chi phí cho sản xuất điện mặt trời cũng cao ngất ngưởng. Đại diện Công ty Nikke tại TP Okashi (Hyogo) cho biết mức giá điện gốc công ty sản xuất ra là khoảng 40 yen/kW. Với mức giá này nếu không có hỗ trợ từ chính phủ thì điện mặt trời cũng khó được người dân ưu tiên sử dụng.

Việt Nam cũng từng có cơ hội sản xuất nguồn năng lượng sạch này khi tháng 3-2011, một trong ba tập đoàn năng lượng lớn nhất Mỹ là First Solar đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Đây là nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời theo công nghệ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 10 cùng năm, dự án này đã phải dừng lại vì chi phí sản xuất quá cao trong khi chính sách hỗ trợ không đáng kể. Một điều rất rõ ràng là môi trường đầu tư, bao gồm cả chính sách hỗ trợ, luật pháp… cũng là một trợ thủ quan trọng trong việc đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật cho sản xuất, kinh doanh của từng quốc gia.

Khó đến mấy cũng phải thực hiện

Đó là quyết tâm của người Nhật đối với ngành điện tái tạo. TS Hiroaki nhận định hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn giữa nhu cầu và mức giá của điện tái tạo. Do chi phí cao kéo theo giá thành cao mà loại năng lượng này rất khó để phổ biến. Thế nhưng việc sử dụng năng lượng tái tạo là rất cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên hữu hạn khác vốn được dự báo từ sớm. Thêm nữa, thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011 phá hủy hai nhà máy năng lượng nguyên tử lớn của Nhật, gây nhiễm xạ nghiêm trọng cho môi trường khiến người Nhật nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của năng lượng sạch.


Ông Keizo Momizu, đại diện công ty tư nhân sản xuất điện gió Kansai, đang trình bày mô hình điện gió của công ty cùng những chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Nhìn sang Đức và các nước châu Âu, Nhật Bản quyết tâm nuôi kỳ vọng trở thành cường quốc điện sạch trong tương lai và họ thực hiện điều đó theo một kịch bản rất rõ ràng.

Trước tiên, họ nghiên cứu để đưa ra một dự báo tổng thể về mối liên quan giữa tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện năng trong dài hạn. Đây là bước quan trọng để xác định nguồn cung trong tương lai, từ đó vạch ra chiến lược đưa điện tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia theo lộ trình. Cụ thể, trong chiến lược phát triển năng lượng chung, Nhật Bản đưa ra một chương trình kết hợp các nguồn năng lượng dầu khí, than, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo… dựa trên nguồn lực hiện có (Transition of Generation Mix). Theo dự báo về chiến lược năng lượng Nhật Bản giai đoạn 2010-2035, Nhật sẽ cắt giảm điện hạt nhân, điện than và thay thế bằng điện tái tạo. Dự tính đến năm 2035, tổng lượng điện tái tạo sẽ chiếm 20% nguồn năng lượng quốc gia.

Để làm được điều đó, Nhật Bản tiếp tục sử dụng hai phương án: Tăng cường áp dụng sáng tạo và đổi mới công nghệ, kết hợp với việc hợp tác quốc tế để bù trừ những khoảng trống năng lượng sạch nhằm ổn định nguồn cung, từ đó ổn định giá thành. Trong kế hoạch này, chính sách của chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt.

Cuối cùng, bài học từ mạng lưới năng lượng nội bộ liên minh châu Âu (EU) đã thúc đẩy Nhật Bản đến nhiều nước để hợp tác sản xuất năng lượng sạch. Trong đó phải kể đến các dự án điện mặt trời của các công ty điện tư nhân Nhật Bản đầu tư tại Thái Lan, Ý và sắp tới là Saudi Arabia. Đây là những dự án tiềm năng mang về cho Nhật lượng điện tái tạo trong dài hạn.

Theo Pháp luật TP.HCM

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này