Lao động giỏi trở về từ Nhật - Kỳ 3: Ba năm ở Nhật là một khóa học
11/09/2013
1174
Nhiều vị giám đốc các công ty Nhật tại VN bày tỏ chân thành: Hãy xem ba năm làm việc tại Nhật là một khóa học để hoàn thiện mình - cả về kỹ năng nghề nghiệp và phong cách công nghiệp - để trở về giúp ích cho đất nước, thông qua việc tạo công việc riêng cho mình hoặc tiếp tục làm việc cho công ty Nhật.
00:00
00:00
Nhiều vị còn nói rất thật lòng mình về điều họ trăn trở: "Lao động VN qua Nhật làm việc hầu hết đều đặt mục tiêu kiếm tiền trên hết, chỉ số ít biết tích lũy kinh nghiệm, cầu tiến học hỏi chuẩn bị tương lai khi trở về VN. Điều đó thật đáng tiếc".
* Ông Okutomi Koji (Chủ tịch HĐQT Công ty ONP, TP.HCM):
Theo tôi, trong ba năm hợp đồng làm việc tại Nhật, nếu chỉ với mục đích làm việc đơn thuần để kiếm tiền thì ba năm đó sẽ kết thúc một cách vô ích.
Khi qua Nhật làm việc, người lao động nên tự đặt mục tiêu học hỏi kinh nghiệm, hướng về tương lai. Bản thân chúng tôi cũng mong muốn các công ty tại Nhật nên suy nghĩ cho tương lai của người lao động để đào tạo và hướng dẫn họ những kiến thức hữu dụng trong thời gian ba năm làm việc. Bởi đây là nguồn nhân lực rất quan trọng khi các công ty như chúng tôi có kế hoạch đầu tư vào VN. Khi trở về, họ sẽ giúp ích rất nhiều cho các công ty Nhật tại VN như chúng tôi. Hiện tôi đã và đang tuyển những người trở về từ Nhật để đào tạo nhằm phục vụ công ty của mình tại Củ Chi (TP.HCM).
* Ông Lê Long Sơn (Giám đốc Công ty Esuhai):
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, chúng tôi luôn ý thức đào tạo những thanh niên có đủ phẩm chất và ý chí để đưa sang Nhật. Ở đó, mục tiêu của chúng tôi là giúp các bạn trẻ ngoài kiếm tiền còn là học tập và lĩnh hội kiến thức của một đất nước có nền kinh tế phát triển và khoa học tiên tiến hàng đầu. Mối trăn trở này chỉ giải quyết được bằng cách "giáo dục ý thức, nâng cao kỹ năng làm việc" cho các bạn trẻ trước khi họ sang Nhật.
Tôi luôn hướng các bạn trẻ nhận thức "phải coi ba năm ở Nhật là một khóa học". Phải biết được mình có cơ hội làm việc với những con người giỏi, thực hành với hệ thống máy móc hiện đại. Phải ý thức được rằng khi về họ trở thành nguồn nhân lực chất lượng góp phần vào việc phát triển đất nước. Esuhai sẽ làm hết sức mình với vai trò cầu nối trong việc phái cử họ đi Nhật và tìm việc khi họ trở về VN.
* Ông Nobuyasu Ohashi (Tổng Giám đốc Công ty Tiger - KCN Amata, Đồng Nai):
Tôi cho rằng khi qua Nhật làm việc mục đích kiếm tiền là quan trọng nhưng mục tiêu học hỏi, nâng cao chuyên môn phải được đặt lên hàng đầu.
Tiếp nhận và làm việc với nhiều lao động VN trở về từ Nhật, tôi nhận thấy họ cũng chịu khó học hỏi, học nhanh nhưng lại khá bị động. Việc gì nhờ hay chỉ dẫn họ làm thì rất nhanh, những việc không chỉ dẫn, không nhờ thì họ không tự mình làm. Cần thay đổi mình theo tác phong làm việc chủ động hơn.
Tuy nhiên, tôi tin rằng cùng với thời gian các em sẽ thay đổi theo hướng mà chúng tôi mong muốn.
* Ông Abe Toru (Trưởng đại diện Công ty Sakura Sonic VN, TP.HCM):
Công ty chúng tôi đang sử dụng bốn lao động trở về từ Nhật, trong đó có một người được cân nhắc làm giám đốc công ty, một là kỹ sư và hai người là lao động kỹ thuật. Ở họ có đức tính cần cù, nắm bắt nhanh những gì công ty đào tạo.
Tuy nhiên, nếu họ bằng lòng với những gì đã đạt được thì sẽ không đi đến thành công cuối cùng. Tôi luôn khuyên họ học, học nữa, học mãi để hoàn thiện mình. Khi đó công ty chúng tôi cũng có lợi, mà đường sự nghiệp tiến thân của họ còn cao. Kể cả những em đang làm việc tại Nhật, tôi khuyên các em nên biết tận dụng thời gian ngắn ba năm vừa học tốt về kỹ thuật, vừa học tốt về tiếng Nhật. Khi đó trở về VN các em không còn là lao động đơn thuần như ở Nhật mà sẽ là lực lượng nòng cốt của bất cứ doanh nghiệp Nhật nào ở VN mà họ được tiếp nhận làm việc.
Nâng cao chất lượng tu nghiệp sinh đi Nhật
Sáng 10-9 tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) đã tổ chức buổi hội thảo về nâng cao chất lượng phái cử, tiếp nhận thực tập sinh VN sang Nhật Bản. Hội thảo cũng là một trong số nhiều hoạt động mừng 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tại hội thảo, 70 doanh nghiệp VN cùng JITCO, IM Japan (Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản) và 20 doanh nghiệp Nhật cùng đánh giá hoạt động phái cử và tiếp nhận lao động trong thời gian qua, chỉ ra các hạn chế và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả của chương trình hợp tác thông qua việc nâng cao chất lượng thực tập sinh như đào tạo kỹ về kỹ năng tiếng Nhật, rèn luyện ý thức kỷ luật và nhận thức chuyến đi và làm việc ở Nhật là cơ hội học tập tay nghề để khi trở về là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Nhật Bản và VN bắt đầu chương trình hợp tác phái cử và tiếp nhận tu nghiệp sinh từ năm 1992. Đến nay sau 21 năm, VN đã đưa được hơn 40.000 tu nghiệp sinh sang Nhật, thu nhập bình quân 800-1.000 USD/tháng, làm việc nhiều nhất trong các lĩnh vực điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp..
Theo Báo Tuổi Trẻ
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.