Trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dẫn đầu một phái đoàn hơn một trăm lãnh đạo doanh nghiệp công du 4 nước gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và Arập Xêút. Cùng lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tới Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh trong các vấn đề quốc phòng. Sau gần nửa năm trở lại nắm quyền, Thủ tướng Abe đang cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ nhằm phục hồi vị thế nước lớn của “Xứ sở Mặt Trời mọc”.
00:00
00:00
Vững kinh tế
Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Abe tuần này mang nhiều ý nghĩa. Ông là vị thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản thăm Nga trong vòng 10 năm qua kể từ chuyến thăm gần đây nhất hồi tháng 1/2003 của Thủ tướng Junichiro Koizumi. Tại Moscow, ông đã đạt được cam kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nối lại các nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua và cũng là nguyên nhân khiến hai nước chưa ký được hiệp định hòa bình chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trên tại Điện Kremlin nêu rõ: “Các nhà lãnh đạo sẽ chỉ thị cho bộ ngoại giao nước mình đẩy nhanh thương lượng nhằm tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên liên quan tới vấn đề ký hiệp ước hòa bình”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Moscow ngày 29/4/2013.
Theo tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng việc chưa ký kết được hiệp ước hòa bình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II là “không bình thường”. Hai bên bày tỏ quyết tâm vượt qua “những bất đồng tồn tại” về tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán.
Ngoài thỏa thuận đẩy nhanh đàm phán về tranh chấp lãnh thổ mở đường cho việc ký kết một hiệp ước hòa bình, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe cũng nhất trí tăng cường quan hệ đối tác kinh tế song phương. Kim ngạch trao đổi thương mại của Nga với Nhật Bản đạt 32 tỉ USD năm 2012. Nhưng Nga hiện chỉ đứng thứ 15 trong danh sách các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, vị trí cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước lớn chưa được khai thác hiệu quả.
Nhật Bản hy vọng tiếp cận được các nguồn năng lượng của Nga với mức giá rẻ hơn, vào thời điểm quốc gia Đông Á này đang chật vật bù đắp sản lượng năng lượng hạt nhân bị mất sau thảm họa động đất sóng thần hồi tháng 3/2011 dẫn đến việc phải đóng cửa nhiều nhà máy điện hạt nhân ở nước này. Theo giới phân tích thì cứ nhìn vào danh sách các nước mà ông Abe chọn đến lần này có thể thấy việc đạt được các thỏa thuận năng lượng sẽ là trọng tâm chính của chuyến công du. Ông Masamichi Adachi, nhà kinh tế cấp cao của hãng J.P Morgan tại Tôkiô, cho rằng vấn đề năng lượng sẽ là trọng tâm thảo luận trong chặng dừng chân của ông Abe tại Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, hai nhà cung cấp dầu thô lớn nhất nhì cho Nhật Bản.
Bên cạnh tìm kiếm nguồn năng lượng với giá rẻ hơn, Nhật Bản cũng đang kỳ vọng khôi phục nhu cầu trong nước và quốc tế đối với nền công nghệ hạt nhân của nước này vốn đã bị suy giảm mạnh sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh một liên doanh Nhật - Pháp đang có cơ may thắng thầu dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 22 tỉ USD bên bờ Biển Đen của nước này. Chuyên gia Adachi nhận định việc đạt được thỏa thuận này sẽ có ý nghĩa quan trọng không chỉ khẳng định tiến bộ của công nghệ hạt nhân Nhật Bản mà còn giúp lòng tin trở lại với chính người dân “Xứ sở Mặt trời mọc” rằng đã đến lúc an toàn để khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ở quốc gia khan hiếm tài nguyên này.
Mạnh quốc phòng
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tới Lầu Năm Góc đầu tuần này, Tôkiô đã nhận được cam kết bảo vệ từ Washington trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ông Onodera, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng “Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền quần đảo này nhưng chúng tôi xác nhận Senkaku nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản và nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ”.
Ông Hagel nhấn mạnh tranh chấp quần đảo Senkaku/ĐiếuNgư là một thách thức an ninh lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và “tranh chấp này cần phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan”. Cảnh báo rằng bất cứ hành động nào cũng có thể gây căng thẳng và dẫn đến sự hiểu sai có thể đe dọa ổn định khu vực Đông Á, ông Hagel nhấn mạnh Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm suy yếu quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản trên vùng quần đảo này.
Tuyên bố của ông Hagel được đưa ra trong thời điểm căng thẳng leo thang nghiêm trọng trên biển Hoa Đông dường như phần nào khiến Nhật Bản yên tâm về sự ủng hộ của đồng minh này, cho dù Mỹ đang cố gắng tránh những căng thẳng không cần thiết với Bắc Kinh, đối tác chiến lược chủ chốt của Oasinhtơn.
Về vấn đề Triều Tiên, hai bộ trưởng quốc phòng cũng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ cả song phương và đa phương, bao gồm cả Hàn Quốc.
Hai bộ trưởng cũng thỏa thuận về sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, trong đó có việc xem lại văn bản hướng dẫn năm 1997 về hợp tác quốc phòng song phương với mục tiêu hoàn tất trong vài năm tới. Hai bên cũng tuyên bố khởi động nhóm làm việc quốc phòng trong các lĩnh vực như giám sát và trinh sát, đồng thời tái khẳng định việc Mỹ sẽ vận chuyển 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey tới Ga Không quân Iwakuni của Mỹ đặt tại miền tây Nhật Bản vào mùa hè này, trước khi chúng được triển khai tới căn cứ Futenma của Mỹ tại Okinawa.
Có thể nói, sau cái bắt tay với khu vực Đông Nam Á, các chuyến thăm đang được giới lãnh đạo Nhật Bản thực hiện cho thấy cam kết theo đuổi chính sách “ngoại giao kinh tế” để khôi phục nền kinh tế trì trệ của chính quyền Abe kể từ khi ông trở lại là người đứng đầu chính phủ Nhật tháng 12 năm ngoái đang được thực hiện rốt ráo. Kinh tế mạnh cùng nền quốc phòng vững sẽ góp phần nâng vai trò của Nhật Bản hơn nữa trong việc góp phần giải quyết các vấn đề nóng của thế giới hiện nay.
Theo Báo Tin tức - TTXVN
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.