scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Búp bê Nhật Bản thu hút người xem
08/03/2013
1617
Triển lãm giới thiệu hơn 250 búp bê truyền thống Nhật Bản, trong đó đa phần theo phong cách Kimekomi (bọc vải vào gỗ) và hơn chục bộ kimono truyền thống của Nhật Bản. Búp bê Kimekomi có nguồn gốc ở thành phố Kyoto (thủ đô cũ của Nhật Bản) từ thế kỷ XVII, được làm bằng những mảnh vải gỗ liễu và quấn lên đó những miếng lụa hoặc gấm. Mỗi búp bê phải mất khoảng hai năm mới hoàn thiện xong.

Sáng 7-3, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra chương trình khai mạc Triển lãm "Búp bê truyền thống Nhật Bản” nhân dịp kỉ niệm 103 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và 40 năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Không giống như những con búp bê được sản xuất hàng loạt hoặc theo một kiểu nào đó như Barbie, Kent…, búp bê Nhật Bản được tạo ra như một tác phẩm nghệ thuật thực sự, lộng lẫy và tinh xảo. Búp bê được làm và bán rộng rãi từ thời Edo (tức là vào khoảng thế kỷ 17, 18). Mỗi một con búp bê truyền thống đều được làm bằng tay, từ vẽ mặt mũi, chạm trổ các họa tiết trên thân nếu làm bằng đất sét, hoặc may váy áo, trang phục truyền thống tỉ mỉ nếu là búp bê gỗ, vải… Chúng có thể "nói” cho người xem rất nhiều về bản thân chúng, hoặc về chính những nghệ nhân tạo ra chúng. Búp bê Nhật Bản rất phong phú, với hình dạng từ bé trai, bé gái, cho đến công chúa, võ sĩ đạo, đô vật, vị thần, cô dâu, thậm chí có những búp bê đại diện cho một thành phố, như Kyoto… Một trong những mục đích lớn nhất của búp bê truyền thống Nhật Bản là làm món quà tặng cho trẻ em nhân lễ hội bé gái ngày 3-3 và lễ hội bé trai ngày 5-5.

Đến với triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng bộ sưu tập búp bê độc đáo hơn 200 con búp bê truyền thống, trong đó đa phần theo phong cách Kimekomi (bọc vải gỗ) và hơn chục bộ kimono truyền thống của Nhật Bản. Được biết, bộ sưu tập búp bê này đã đi vòng quanh 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 10 năm dừng chân tại Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, hiện nay ở ngay chính quê hương mình, nghệ thuật búp bê truyền thống Nhật Bản cũng đang đứng trước những thách thức. Trước đây người Nhật có "chơi” búp bê theo đúng nghĩa, tức là đặt mua những con búp bê làm sẵn, mang về may quần áo và thay đổi quần áo cho búp bê theo sở thích hoặc theo những dịp đặc biệt nào đó. Hiện nay búp bê chỉ đơn thuần để trưng bày với ý nghĩa văn hóa, tâm linh.

Mong muốn khôi phục và phát triển công tác bảo tồn nghề làm búp bê truyền thống, nghệ nhân Masaru Aoki trăn trở tâm sự: "Số lượng nghệ nhân chế tác và phục chế búp bê tại Nhật Bản hiện nay còn lại rất ít, trong khi người trẻ thì không mấy quan tâm.” Vì thế, trân trọng những con búp bê, không đành lòng khi thấy chúng cũ kỹ, hư hỏng theo thời gian, ông đã theo học nghề phục chế. Trải qua 30 năm trong nghề (kể từ năm 1974), ông đã trở thành người đứng đầu trong việc phục chế lại búp bê Ichimatsu.

Bên cạnh việc chiêm ngưỡng bộ sưu tập búp bê độc đáo, nhân dịp này  khách tham quan còn được hòa mình vào các trò chơi truyền thống Nhật Bản, thực hành gấp giấy hay mặc thử các trang phục kimono. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 31-3.

Nguồn báo Thanh Niên

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này