scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Việt-Nhật chọn 5 ngành ưu tiên hợp tác phát triển
27/11/2012
1126
Ngày 27/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản lần thứ sáu tại thủ đô Tokyo.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại buổi hội thảo

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế ổn định, lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thông báo với phía Nhật Bản về sự ra đời của Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức ký quyết định thành lập tháng 8/2012 nhằm đẩy mạnh việc học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản.

Mục tiêu của chiến lược này là lựa chọn một số ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng mà phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác để phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 và xây dựng chương trình hành động cụ thể để phát triển các ngành này với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản.

Đặc biệt, hai nước đã nhất trí lựa chọn năm nhóm ngành ưu tiên hợp tác phát triển bao gồm điện-điện tử, chế biến thực phẩm, máy nông nghiệp, đóng tàu và công nghiệp môi trường-tiết kiệm năng lượng. Bộ trưởng đặt kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ cũng như mô hình hợp tác công-tư (TPP) thông qua hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn chưa đồng bộ, nguồn nhân lực lành nghề còn thiếu, nhưng môi trường đầu tư ở Việt Nam an toàn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam có dân số trẻ với 65 triệu người trong độ tuổi lao động, một lực lượng hùng hậu.

Để cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ những nút thắt của nền kinh tế, bao gồm cơ sở hạ tầng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đến năm 2020 có 70% lao động đã qua đào tạo và sau cùng là các chính sách ưu đãi đầu tư, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Việt Nam sẽ dành các ưu đãi tốt nhất trong điều kiện cho phép để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư vào các ngành ưu tiên kể trên, đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác ưu tiên hàng đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và cam kết phát huy các hoạt động hợp tác nhằm tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.

Bộ trưởng đánh giá cao vai trò và ý nghĩa thiết thực của Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, coi đây là cơ hội để ghi nhận các ý kiến đóng góp và nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tại Diễn đàn này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cũng có bài thuyết trình về chính sách thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự diễn đàn những hiểu biết cơ bản nhất về môi trường và chính sách đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, Diễn đàn cũng có dịp lắng nghe những chia sẻ cũng như những ý kiến đóng góp của cựu Tổng Giám đốc Panasonic Việt Nam Mitsuru Okada với 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Okada, Việt Nam là đối tác tốt của Nhật Bản trên cả ba phương diện chính trị, kinh tế và văn hóa. Vị cựu Tổng Giám đốc này cho rằng ngành công nghiệp phụ trợ rất cần thiết đối với Việt Nam và Việt Nam có cơ hội thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực này. Ông hy vọng những ưu đãi cụ thể và rõ ràng của Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản kéo dài bảy ngày từ ngày 24/11-1/12, tính đến ngày 27/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch của Nhật Bản, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và một số tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Trong những ngày tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sẽ có chuyến thăm tới các địa phương của Nhật Bản như Osaka, Kobe và Nagoya, dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Kansai lần thứ sáu.

Theo TTXVN

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này