scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Ðón cơ hội đầu tư từ Nhật Bản
24/10/2012
2077
Tám tháng đầu năm 2012, Nhật Bản đã vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,33 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Dòng vốn đầu tư và nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ còn tăng rất mạnh trong những năm tới nếu Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam nói riêng tận dụng tốt cơ hội.

Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Khác với những năm trước, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... thường chờ nhà đầu tư đến tìm hiểu. Nhưng hai năm gần đây, thành phố và các tỉnh bạn đã phối hợp, chủ động mời nhà đầu tư Nhật Bản cùng đồng hành trong việc kêu gọi đầu tư.

Ðầu năm 2011, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố cùng 100 doanh nghiệp (DN) thành phố sang Nhật Bản giới thiệu tiềm năng và mời gọi hiệp hội, các tập đoàn lớn, các DN nhỏ và vừa đầu tư vào 21 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, tài chính, thương mại của TP Hồ Chí Minh. Các DN chuyên làm hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố cũng cho biết, sau thảm họa kép sóng thần và động đất, các đơn hàng xuất khẩu ở TP Hồ Chí Minh có chậm lại một thời gian ngắn, sau đó trở lại gần như bình thường. Ông Sa-ka-ê Y-ô-si-đa, Giám đốc ZETRO tại Việt Nam cũng cho biết, từ tháng 4-2011 đến nay, chỉ tính riêng số lượng DN đăng ký tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam, thông qua ZETRO xấp xỉ 3.000 nhà đầu tư. Nếu tính cả các DN không qua ZETRO thì con số này còn cao gấp nhiều lần. Nếu như trước đây chỉ có những nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn đến Việt Nam, thì gần đây, nhiều DN vừa và nhỏ (SME) cũng tìm cơ hội đầu tư vào TP Hồ Chí Minh. Các DN này phần lớn có quy mô 70-300 lao động, chỉ thuê nhà xưởng 300-1.000 m2. Có DN chỉ có vài công nhân song lại sở hữu những công nghệ độc đáo chiếm 50-70% thị phần toàn cầu. Các DN SME này chưa có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài nên mong muốn được sử dụng tiếng Nhật, hệ thống giao thông thuận lợi, nhà xưởng không cần lớn, có thể sản xuất, kinh doanh ngay.

Các nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, mua cổ phần ở những công ty hoạt động hiệu quả, nhất là các công ty tư nhân lớn của TP Hồ Chí Minh. Thực tế thời gian qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia mua cổ phần của rất nhiều công ty Việt Nam với số vốn lớn. Như Tập đoàn Mizuho bank sở hữu 15% cổ phần của Vietcombank (khoảng 570 triệu USD). Hãng bánh kẹo Ezaki Glico mua 10,5% vốn điều lệ của Công ty CP Kinh Ðô, DI Asian Industrial Fund mua 31% vốn của Công ty CP thiết bị y tế Việt Nhật, Công ty Unicham mua 95% cổ phần của Diana.

Tại tỉnh Bình Dương, địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong tám tháng đầu năm 2012, các dự án đầu tư của Nhật Bản tăng rất nhanh. Mới đây, trong đợt trao giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (Bình Dương) có tới 13 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản. Còn ở TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay đã có 65 dự án mới từ Nhật Bản, với số vốn đầu tư gần 90 triệu USD. Ngoài ra số dự án điều chỉnh mở rộng các DN Nhật Bản chiếm 33%. Ðáng chú ý là Nhật Bản đang đứng đầu lượng vốn FDI giải ngân lũy kế tại TP Hồ Chí Minh. Riêng số lượng hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh là 580 công ty. Theo Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) thành phố, thời gian tới dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tăng vì vậy thành phố đang thúc đẩy dự án thành lập khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang chuẩn bị sẵn sàng hai khu công nghiệp rộng 1.000 ha, đó là KCN Phú Mỹ 3 và KCN Ðá Bạc với những ưu đãi và điều kiện đặc biệt mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Lý giải việc tăng vốn vào Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, sự ổn định chính trị, sức trẻ và môi trường đầu tư tốt ở Việt Nam là nơi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Ðiều mà các DN Nhật Bản đòi hỏi các đối tác muốn làm ăn lâu dài gói gọn trong bốn yếu tố: Một là, hết sức coi trọng chất lượng vì chất lượng là yêu cầu không thể nhân nhượng. Hai là, giá thành khi đàm phán DN Nhật Bản tính tiền đồng chứ không phải USD hay đồng Yên. Ba là, giao hàng phải đúng thời hạn. Bốn là, DN phải chủ động mời chào hàng hóa.

Việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu tích cực. Ðáng chú ý là trong tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài sức mua tại các thị trường lớn trên thế giới có chiều hướng giảm mạnh khiến hàng hóa Việt Nam, trong đó có dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Trong ba thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản thì thị trường EU giảm mạnh nhất. Ở thị trường Nhật Bản tuy thị phần còn thấp nhưng tăng trưởng dệt may vẫn ổn định do các nhà sản xuất ở

TP Hồ Chí Minh tập trung ổn định chất lượng sản phẩm và giao hàng đúng hẹn. Các công ty Việt Tiến, Phong Phú, Sài Gòn 3, Garmex... do nhiều năm làm ăn với thị năm trường Nhật Bản, thực hiện chữ tín khi giao hàng nên giữ được đơn hàng gia công với số lượng lớn. Chín tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng dệt may đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng này khả năng dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản trong năm nay sẽ vượt 2 tỷ USD. Hiện Nhật Bản chiếm hơn 13% thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam, khả năng trong thời gian tới khi Việt Nam - Nhật Bản ký các hiệp định thuế quan ưu đãi, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều hứa hẹn gia tăng xuất khẩu vào thị trường khó tính này.

Cơ hội thì có nhiều song khó khăn và thách thức những tháng cuối năm 2012 này còn khá lớn. Trước hết lãi suất cho vay vẫn cao và DN khó tiếp cận nguồn vốn vay rẻ. Công nghiệp hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh vẫn còn mỏng và rất yếu. Tính liên kết trong các DN nhằm thực hiện đơn hàng lớn chưa cao. Theo các DN,

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam cần tập trung các hoạt động thu hút đầu tư một cách bài bản, phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các địa phương để giữ các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư đến từ các nước khác nói chung.

TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện làm thông thoáng môi trường đầu tư cũng như tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực... nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài trong đó có Nhật Bản.

Theo Báo Nhân Dân

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này