scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Việt Nam cần sớm tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI
19/03/2012
976
ESO - Hiện tại hơn 75% sản lượng xe của các nhà chế tạo xe hơi Nhật Bản như Nissan và Honda được sản xuất tại nước ngoài, con số này với Toyota là khoảng 60%, trong đó, khoảng 34% sản lượng công nghiệp chế tạo Nhật Bản được thực hiện ở nước ngoài. Việt Nam cần sớm tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Á.

Theo nghiên cứu mới đây, khoảng 34% sản lượng công nghiệp chế tạo Nhật Bản được thực hiện ở nước ngoài. Con số này 25 năm trước là 9% và sẽ sớm đạt 40% trong một vài năm tới.

Đồng Yên tăng giá khiến xuất khẩu tại Nhật Bản ngày càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, tiêu thụ trong nước sẽ giảm dần vì lượng dân số ngày càng giảm. Nhiều công ty Nhật Bản, gồm cả công ty vừa và nhỏ, đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế tạo cũng như các cơ hội kinh doanh mới tại nước ngoài.

Sóng thần-động đất tại Nhật Bản và lũ lụt tại Thái Lan trong năm 2011 đem lại bài học hữu ích cho các công ty Nhật Bản. Đó là rủi ro khi chỉ đặt cơ sở chế  tạo tại một vị trí duy nhất và rủi ro khi quá tập trung. Các công ty này đang cố gắng tìm hiểu thêm những rủi ro khác liên quan đến ngành công nghiệp chế tạo.

Các công ty Nhật Bản đang tích cực xem xét các cơ hội đầu tư ra nước ngoài và thực hiện những nghiên cứu so sánh nhằm tìm ra địa điểm phù hợp nhất. Hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia Đông Á được Nhật Bản đầu tư có trọng điểm.

Việt Nam đã cấp 1.091 giấy phép đầu tư mới cho các doanh nghiệp nước ngoài năm 2011, đứng thứ ba về số giấp phép trong thập kỷ qua, trong đó, ba quốc gia dẫn đầu về số giấy phép mới trong năm qua là Hàn Quốc - 270 giấy phép, Nhật Bản - 208 giấy phép, vượt qua kỷ lục 157 giấy phép mới được cấp trong năm 2007 và Singapore - 105 giấy phép.

Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam về vốn đầu tư, chiếm 75% số dự án và hơn 90% vốn đầu tư công nghiệp chế tạo Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những địa điểm tiềm năng nhất tại Đông Á với các nhà đầu  tư Nhật Bản nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong nước, ông Hirokazu Yamaok, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho rằng các nhà đầu tư từ Nhật Bản cũng tiến hành đầu tư vào các nước khác trong ASEAN. Chẳng hạn, Thái Lan thu hút 1.393 dự án đầu tư từ Nhật Bản trong thời gian 2008-2011, Inđônêsia thu hút 1.045 dự án (chỉ tính dự án đã và đang thực hiện) và Việt Nam 572 dự án.

Ngoài ra, số vốn đầu tư trực tiếp Nhật Bản trong vòng 4 năm qua (2008-2011) tại Thái Lan là 13.3 tỷ USD, chỉ tính dự án đã và đang thực hiện tại Inđônêsia là 4.2 tỷ USD và tại Việt Nam là 5.5 tỷ USD.

Ông Yamaok lưu ý rằng Việt Nam hiện vẫn đứng sau Thái Lan và Inđônêsia trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cần sớm đưa ra nhiều giải pháp phù hợp hơn nữa trong các lĩnh vực khác nhau nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam so với hai quốc gia nêu trên.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Nhằm đạt mục tiêu này, Việt Nam cần lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có tính cạnh tranh và tìm mọi cách thực hiện mục tiêu này.

Nền công nghiệp có tính cạnh tranh sẽ giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam giảm nhập khẩu một cách hiệu quả. Điều đó sẽ giúp Việt Nam cải thiện cán cân thương mại và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Một khi kinh tế vĩ mô trở nên ổn định hơn, chính phủ Việt Nam có thể tiến hành các biện pháp cần thiết khác nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế như cải thiện khả năng cung cấp điện năng, cơ sở hạ tầng đường cao tốc, cảng biển…Khi điều đó diễn ra, các công ty nước ngoài sẽ trở nên tin tưởng hơn và gia tăng đầu tư vào Việt Nam - Ông Yamaok khuyến nghị.

Theo Taichinhdientu.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này