scroll top
Chúc mừng bạn Lâm Chánh Đức đã đậu Năng lực Nhật ngữ JLPT N2
JLPT N2
[Thực tập sinh đạt N2] Chánh Đức: Chịu đựng là chịu đựng đến khi nào mà không còn chịu đựng được nữa mà vẫn chịu đựng được
Đăng bởi Admin ngày 28-09-2019
4835
0
Lời nói đầu tiên, em xin gửi lời chào đến thầy Lê Long Sơn và toàn thể thầy cô giáo Kaizen, các anh chị của công ty Esuhai. Xin chào các bạn đang học tại trường Kaizen, các bạn đọc tiêu đề của bài viết này, chắc sẽ nghĩ mình có suy nghĩ hơi tiêu cực đúng không ạ? Đây là câu nói mà mình học được từ thầy Khoa khi còn ngồi ở ghế nhà trường học những tiết học Oden. Ban đầu được nghe thầy giảng, mình cảm thấy câu nói này sao khó hiểu quá. “Gì mà chịu đựng không được mà còn chịu đựng được, nghịch lý quá ta”, mình đã suy nghĩ như vậy.

VƯỢT QUA GIỚI HẠN BẢN THÂN

Khi sang Nhật, công việc của mình đòi hỏi phải sử dụng các ngón tay rất nhiều và làm việc trong tư thế khom lưng. Thời gian đầu, các ngón tay mình bị sưng, bị phồng lên, đến nỗi không thể gập lại được, lưng thì đau. Có một hôm, trong giờ giải lao mình đã ngồi ngay cạnh dây chuyền sản xuất và suy nghĩ. “Tại sao mình phải làm công việc mệt mỏi này? Mình đang cố gắng vì điều gì vậy? Hay là từ bỏ để về nước?” mình đã tự đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhưng rồi lại nghĩ khi ở trường Kaizen, mình đã quyết tâm cao như thế nào để được qua Nhật làm việc. Mình không thể từ bỏ dễ dàng như vậy được.

Mình bắt đầu nghĩ đến khoảng thời gian học ở Kaizen, nhớ lại những lời giảng dạy của các thầy cô. Mình chợt nhớ ra câu nói “CHỊU ĐỰNG LÀ CHỊU ĐỰNG ĐẾN KHI NÀO MÀ KHÔNG CÒN CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC NỮA, MÀ VẪN CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC.” Lúc đó, mình mới thật sự hiểu được câu nói này. Khi các bạn làm việc mệt mỏi, tay chân đau nhức, đến mức có thể nói là không chịu đựng được, nhưng các bạn đừng từ bỏ. Ví dụ: Trong tập gym, mới đầu tập các bạn đâu có thể đẩy được tạ nặng, các bạn đâu có thể hít đất được nhiều… nhưng kiên trì tập luyện mỗi ngày sẽ dần dần nâng được các mức tạ nặng hơn, hít đất được nhiều hơn. Cho nên các bạn đừng từ bỏ quá vội vàng, hãy kiên trì theo đuổi, vượt qua được giới hạn bản thân mình. Lúc đó, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn để đương đầu với những khó khăn trong công việc, cuộc sống hay những thử thách đang chờ chúng ta trong tương lai. Những lúc mệt mỏi, mình đều nghĩ đến câu nói đó để tạo thêm động lực cho mình. Kết quả là mình đã hoàn thành chương trình ba năm thực tập ở Nhật một cách suôn sẻ.

VƯỢT QUA “BỨC TƯỜNG NGÔN NGỮ”

Trước khi sang Nhật, mình đã học hết 50 bài Minna No Nihongo. Mình cứ nghĩ kiến thức đã vững nhưng khi sang Nhật hoàn toàn trái ngược. Khi người Nhật nói mình nghe không hiểu, không thể truyền đạt được ý mình muốn nói. Mình sống ở Osaka nên người dân ở đây sử dụng rất nhiều tiếng địa phương mà mình chưa từng học đến. Mình bắt đầu cảm thấy khó chịu, lo lắng cho cuộc sống và công việc. Mình đã nghĩ nếu không biết tiếng Nhật thì ba năm ở Nhật sẽ khó khăn đủ thứ, sẽ phí thời gian ba năm tuổi trẻ của mình…nên mình đã bắt đầu học tiếng Nhật một cách nghiêm túc. 

thuc-tap-sinh-nhat-ban-esuhai-kaizen-1

Mình tham gia học ở trung tâm dạy tiếng Nhật tình nguyện ở gần nơi mình sống. Chủ nhật hàng tuần, mình đến đó để học cách nói chuyện, những từ ngữ địa phương thường dùng. Các thầy cô rất nhiệt tình, thân thiết và tận tình chỉ bảo cho mình từng chút một. Hàng ngày đi siêu thị, đi trên đường gặp những từ vựng nào không biết, mình tra từ liền và học luôn tại đó. Mình học theo giáo trình Soumatome, học flashcard kanji. Nhưng các bạn cũng đừng ép mình học quá mức. Phải thoải mái, mệt thì nghỉ, đi làm về mệt thì đi ngủ sớm, sáng dậy sớm học sẽ tiếp thu nhanh hơn.

Sau 06 tháng kể từ khi qua Nhật, mình đã đạt được chứng chỉ N3 một cách dễ dàng. Lúc này, mình đã có thể giao tiếp tốt hơn lúc mới qua rất nhiều. Mình đã chủ động bắt chuyện với các đồng nghiệp trong công ty để nói chuyện, học hỏi thêm tiếng Nhật. Dần dần mọi người thân thiện hơn với mình, tạo nên không khí làm việc vui vẻ. Khoảng 40 người trong tổ, mình đều tiếp xúc và nói chuyện. Khi cấp trên chỉ dạy công việc, mình nghe hiểu được và làm theo. Từ đó, mình được mọi người tin tưởng, đánh giá cao trong công việc. Mình học được văn hóa, các quy tắc trong cuộc sống và công việc thông qua những lần bắt chuyện với người Nhật và kỹ năng nghe cũng tiến bộ rõ rệt.

Một năm sau kể từ khi đậu N3, mình đã đạt được chứng chỉ N2. Mình đã rất vui mừng, được các thầy cô bên Hiệp hội và công ty khen thưởng. Khi có các Kohai vào chung tổ, mình đã được gọi đến để thông dịch cho các Kohai về công việc, về nội quy công ty. Mình cũng tự hào về chính mình nữa. Mỗi ngày đến công ty, mình không còn khó chịu, không còn mệt mỏi nữa, thay vào đó là niềm vui khi đến công ty mỗi ngày, vui vẻ sinh sống bên đất khách mà cứ như ở nhà mình.

Tiếng Nhật thật sự rất rất quan trọng khi mình sống bên Nhật. Khi các bạn không chịu học tiếng Nhật thì nó sẽ là bức tường cản trở bạn trong cuộc sống, công việc và làm cho bạn chán nản, dễ từ bỏ giữa chừng, không cảm thấy vui vẻ, thoải mái trong cuộc sống, bị mọi người xem thường, không tạo được sự tin tưởng.

“GYOUGI (行儀), KANSHA (感謝), ONGAESHI (恩返し)” = “CÁCH CƯ XỬ, SỰ CẢM TẠ, SỰ TRẢ ƠN”

Đây là ba điều mà người Nhật đã được giáo dục từ nhỏ, nên họ rất coi trọng những điều này. Mình nghĩ chính vì như vậy nên xã hội và kinh tế Nhật mới phát triển như ngày nay.

Phải biết trên dưới, lễ phép, chào hỏi to rõ, tuân thủ các quy định trong cuộc sống và các tổ chức… Đó là GYOUGI.

Phải biết cảm ơn khi được giúp đỡ, phải biết xin lỗi và nhận lỗi khi làm sai… Đó là KANSHA.

Khi được mọi người giúp đỡ, nếu có cơ hội thì giúp đỡ ngược lại, hoặc giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn... Đó là ONGAESHI.

Các bạn hãy ghi nhớ, sẽ không bao giờ là thừa khi sinh sống tại Nhật đâu ạ!

Rất mong các bạn đang học tại trường Kaizen luôn xác định rõ mục tiêu khi đến Nhật học tập và làm việc; mong các bạn đang thực tập ở Nhật đừng nản chí, luôn theo đuổi đến cùng mục tiêu và giấc mơ của mình. Sẽ không có gì khi ta không hành động, đã hành động chắc chắn sẽ có kết quả. Chúc các bạn mạnh khỏe và thành công.

Thân ái chào tạm biệt.

0 bình luận
Gửi bình luận
Nơi kết nối và chia sẻ giữa các học viên Kaizen với senpai Lâm Chánh Đức - chủ nhân bài viết - về kinh nghiệm học và thi tiếng Nhật hoặc đơn thuần là chào hỏi động viên.
Vui lòng nhập nội dung bên dưới
Vui lòng check "Tôi đồng ý với Quy định và Thỏa thuận sử dụng khi bình luận."
HỌ TÊN BẠN*
BẠN LÀ*
ĐỊA CHỈ EMAIL (địa chỉ email sẽ không được hiển thị)
BÌNH LUẬN CỦA BẠN*