scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Esuhai đóng góp ý kiến tại hội thảo thuộc Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”
20/11/2019
4864
Trong hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì mới đây, Esuhai đã vinh dự là đơn vị được mời tham dự và phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo thuộc Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp – Skilling up Vietnam”.

 

Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, diễn ra trong 02 ngày 15 – 16/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp” được tổ chức vào ngày 15/11, Công ty Esuhai với tư cách là đơn vị có 13 năm kinh nghiệm đào tạo và phái cử nhân sự đi làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, đồng thời đang liên kết đào tạo và tuyển chọn sinh viên sau tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản tại 22 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên cả nước đã có bài tham luận đóng góp ý kiến với chuyên đề: “Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hoạt động phái cử lao động, chuyên gia kỹ thuật đi làm việc tại Nhật Bản”.

Quang cảnh Hội thảo

Dưới đây, Esuhai thông tin sơ lược nội dung bài tham luận tại Hội thảo đến quý vị độc giả cùng theo dõi

Chủ trương đúng đắn

Chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu tuyển dụng, tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp; Khuyến khích sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia kỹ thuật đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nói chung và ở Nhật Bản nói riêng với mục tiêu để giải quyết việc làm, học hỏi kỹ thuật, hạn chế thất nghiệp… là chủ trương đúng đắn trong nhiều năm qua của Đảng, nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội… và sự nỗ lực của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Kết quả tích cực là đã tạo việc làm ngắn hạn với thu nhập cao (từ 25 đến 40 triệu) cho hàng trăm ngàn lao động, hàng ngàn tỷ đồng người lao động chuyển về Việt Nam mỗi năm đã tác động tích cực tới nền kinh tế, giúp kinh tế mỗi gia đình, mỗi địa phương tăng lên rõ rệt, giải quyết một phần việc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Mặt khác hàng ngàn thanh niên trẻ khi về nước đã có việc làm tốt hơn; Có nhiều gương thành công trở thành đầu mối kết nối hoạt động kinh tế, kỹ thuật, ngôn ngữ, văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản; Có nhiều người đã trở thành ông chủ, giám đốc, quản lý cấp cao, cấp trung trong các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác với Nhật Bản…

Nhu cầu nguồn nhân lực từ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia sở hữu trình độ khoa học, kỹ thuật hàng đầu thế giới. Tại Nhật Bản hiện có gần 4 triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện cũng đang phải đối diện với tình trạng già hóa dân số và lực lượng lao động trẻ ngày càng sụt giảm, dẫn đến hàng năm Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng hơn 150.000 người lao động nước ngoài vào Nhật Bản. Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 956.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản. Và hiện nay, Việt Nam đang là một trong những thị trường trọng điểm để tuyển dụng lao động của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Xuân Lanh - Trợ lý giám đốc Công ty Esuhai phát biểu tham luận tại Hội thảo

Về Esuhai

Chủ trương và mục tiêu trọng tâm của Esuhai là đào tạo ra nguồn lực lao động chất lượng cao để hội nhập quốc tế, mà cụ thể là hội nhập thị trường lao động Việt Nam và Nhật Bản.

Để làm được điều đó, Esuhai tiến hành tuyển chọn có định hướng nguồn ứng viên từ 20 – 30 tuổi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên cả nước để đào tạo và phái cử sang Nhật Bản làm việc theo các chương trình (kỹ sư, thực tập sinh và sắp tới là kỹ năng đặc định), đặc biệt tập trung vào các nhóm ngành nghề như công nghiệp phụ trợ (kỹ thuật, chế tạo…), ứng dụng công nghệ cao (chế biến thực phẩm, nông nghiệp…), dịch vụ (nhà hàng, khách sạn)… là những nhóm ngành nghề có nhu cầu lớn và có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong tương lai.

Từ quá trình đào tạo trước xuất cảnh tại Esuhai và quá trình làm việc từ 5 – 10 năm tại Nhật Bản, nguồn lực lao động này sẽ hội tụ các năng lực và tố chất: giỏi một nghề chuyên sâu, giỏi ngoại ngữ, học hỏi tư duy phát triển, cảm nhận văn hóa Nhật Bản, có kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, xây dựng mối quan hệ, tích lũy tài chính… Khi trở về nước, nguồn nhân lực này sẽ là những thợ lành nghề, cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm, nhân sự quản lý cấp trung, khởi nghiệp mở công ty nhỏ và vừa định hướng phát triển bền vững… và có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, phương pháp quản lý, văn hóa doanh nghiệp từ Nhật Bản, kết nối thị trường Nhật Bản… góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam, cũng như sự kết nối hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Một số hạn chế trong phái cử người lao động đi làm việc tại Nhật Bản

  • Thiếu định hướng mục tiêu nghề nghiệp khi về nước;
  • Hạn chế về ngôn ngữ trước xuất cảnh và gặp khó khăn trong hòa nhập văn hóa tại bản xứ;
  • Thiếu các kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật Bản như: 5S, Horenso, Kaizen, làm việc tập thể, và kỹ năng quản lý…

Kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo giữa nhà trường & doanh nghiệp

Việt Nam nên có chủ trương xem hoạt động phái cử thực tập sinh, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật sang làm việc có thời hạn trong các nhà máy, xí nghiệp của Nhật Bản là một mắt xích quan trọng và hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện, quá trình và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Xây dựng và triển khai mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình phái cử sinh viên tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, các doanh nghiệp phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp xây dựng mô hình đào tạo khép kín từ tuyển sinh đầu vào, đào tạo chuyên môn, đào tạo ngoại ngữ, trang bị kỹ năng tác phong làm việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và phái cử sinh viên sau tốt nghiệp đi làm việc tại Nhật Bản cho đến tạo việc làm cho người lao động khi về nước hoặc hỗ trợ khởi nghiệp phát triển sự nghiệp tại Việt Nam.

Có chính sách vay vốn tín chấp cho sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài. Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay 100% chi phí đi làm việc tại Nhật Bản đến đối tượng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học khi tham gia chương trình. Xem xét phương thức phối hợp giữa Nhà trường –Doanh nghiệp – Ngân hàng để hỗ trợ thủ tục cho vay phù hợp giúp sinh viên khi tốt nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.

“Nguồn lực Việt Nam không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà là gần 100 triệu người dân, trong đó kỹ năng lao động, năng lực nghề nghiệp của người lao động là yếu tố quyết định cho sự phát triển” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Những kiến nghị của Esuhai đã nhận được sự đánh giá cao của chủ tọa hội thảo và Vụ giáo dục nghề nghiệp cũng đã đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xem xét và phối hợp với Esuhai để đặt hàng đào tạo và đưa ra lộ trình cụ thể.

Xem thông tin kết quả về việc Esuhai & Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đào tạo 30.000 nhân lực chất lượng cao tại ĐÂY

xuat-khau-lao-dong-esuhai-1

Đây là lần đầu tiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì một diễn đàn về kỹ năng lao động Việt Nam và đây cũng là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.
Diễn đàn có hơn 1.500 đại biểu bao gồm đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục… tham dự.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến của các đại biểu đại diện cho các cơ quan nhà nước; các chuyên gia của các nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để cùng trao đổi, thảo luận, thẳng thắn đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, phát huy, đồng thời, nhận diện chính xác khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Với thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam”, thông qua Diễn đàn cũng nhằm khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng quốc gia khởi nghiệp, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển vào năm 2045; Đưa ra thông điệp về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh theo hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. 

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này