scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Bài dự thi đạt giải Ba cuộc thi Trải nghiệm Esuhai - Kaizen 2018
26/10/2018
1044
Dưới đây, Ban biên tập xin gửi đến quý vị độc giả bài viết đạt giải Ba trong cuộc thi “Trải nghiệm Esuhai – Kaizen” của thí sinh Trần Thị Như Hương đến từ lớp DN47 KaizenYoshidaSchool Đồng Nai. Bài viết có tựa đề: Mất bao lâu để tìm lại thanh xuân & tuổi trẻ của cuộc đời

Mất bao lâu để tìm lại thanh xuân & tuổi trẻ của cuộc đời

 

Lúc đầu, tôi đến với Esuhai - Kaizen như để tìm một con đường giải thoát khỏi cái cuộc sống vô vị và đống công việc bộn bề hiện tại. Thế nhưng…..

"Đã có lúc tôi muốn dừng lại!”

Tôi đã có hơn 1 lần suy nghĩ như vậy khi mới bước chân vào Kaizen. Có lẽ vì tôi quá hy vọng để đi Nhật sớm, quá hy vọng tô lại 1 màu hồng cho cuộc sống của mình nên tôi rất khó hoà nhập với môi trường ở đây.

Ngay cả việc ăn uống, đi đứng, chào hỏi… làm gì tôi cũng bị nhắc nhở. Bài tập thì nhiều, môi trường thì kỷ luật, khắt khe. Dép không được rời khỏi chân, lưng phải luôn thẳng, gặp ai cũng phải chào, còn mặt thì lúc nào cũng phải tươi.

Ngày nào tôi cũng vác 1 cái ba lô sách vở nặng “ngàn cân” lên lớp bằng thang bộ, lên đến phòng học tôi chỉ muốn nằm luôn ra nền nhà thở cho đã. Ấy vậy mà chưa kịp thở đã phải vội vàng đi trực vệ sinh, lau chùi quét dọn, cái gì mà mắt nhìn thấy được là cái đó phải sạch. Buổi sáng của tôi bắt đầu bằng những việc như thế, hôm nào mà trực vệ sinh vườn cây thì sau khi bê nước tưới cây xong tôi cũng muốn tưới luôn cả tôi nữa. Vừa nóng, vừa mệt, mồ hôi thì như suối thiên tạo, mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau ra tắm nắng.
Dù đã học tiếng Nhật trước rồi nhưng vào giờ học tôi vẫn bị cho đứng liên tục vì không trả lời được. Ở ngoài tôi đâu có bị bắt phản xạ nhanh như thế, có ngày bị giáo viên gọi bất ngờ đến ngay cả tên mình là gì cũng không nhớ. Nhiều khi còn bị phạt hít đất, squat, chà nhà vệ sinh, hoặc ôm sách vở ra cửa lớp đứng…. Đấy, 26 tuổi rồi còn bị phạt thấy có “quê” không cơ chứ!

Chưa hết đâu, còn phải tạo những thói quen như viết nhật ký, phải giúp đỡ người khác, đã bận mà còn phải làm bài nhóm, lăn lê bò lết mãi mới được về. Rồi đi đâu cũng kè kè cuốn sổ tay trong túi. Còn phải đi trồng cây, nhổ cỏ. Ôi! Tôi không nghĩ đi Nhật phải làm cả những việc như thế.

Từ ngày vào đây tôi không có thời gian ngồi lướt FB, không có thời gian gặp đám bạn bè, cuộc sống vòng quanh chỉ là tiếng Nhật và Kaizen. Trong 1 lần làm vườn, tôi vô tình nhìn thấy những bụi cỏ 3 lá. Lúc này, tôi chán đến mức ngày nào tôi cũng tạt qua bụi cỏ này tìm cỏ 4 lá với suy nghĩ: Nếu tìm được thì tôi sẽ được phỏng vấn sớm rồi sẽ đi khỏi chỗ này thật nhanh. Nhưng ngày phỏng vấn chưa đến mà cái ngày này lại đến…

Ngày mà tôi tìm lại Thanh xuân và Tuổi trẻ của mình

Hôm đó trong 1 buổi giao lưu thầy giáo có hỏi rằng:
“Cuộc đời con người có bao nhiêu mốc thời gian? Và đến tuổi này thì các em phải có trong tay những gì thì mới thành công?”
Sau khi nghe câu trả lời tôi chợt nhận ra ở tuổi của tôi hiện tại, tôi chưa có gì. Tôi lặng người 1 lúc lâu rồi tự hỏi: “Tôi đã làm gì trong 26 năm qua?”

Mất vài đêm nhìn lại mình, phải chăng trước giờ tôi chỉ đang “tồn tại” mà chưa hề được “sống”. Tôi chưa hề có những kỷ niệm nào gọi là đáng nhớ nhất của thời Thanh Xuân, chưa từng cố gắng làm điều gì cho Tuổi Trẻ của mình. Tôi đã để thời gian và sức trẻ trôi đi lãng phí suốt 1 thời gian dài như thế. Sau đêm nay thôi ngày mai tôi sẽ khác, sẽ “Sống chậm lại và nghĩ khác đi”.

Tôi đã luôn cho mình 1 cái mốc nhẹ nhàng để dễ dàng đạt được và rồi tự chìm đắm trong chiến thắng của bản thân mà quên mất việc cố gắng cho ngày mai. Tuổi trẻ phải là những tháng ngày sống, làm việc hết mình và làm những việc có ý nghĩa, ngày mai phải hơn ngày hôm nay…

Tôi vẫn đi học với chiếc ba lô thường ngày, nó đã không còn nặng nữa. Tôi bắt đầu chú ý đến những thứ ở đây, những thứ mà bấy lâu nay tôi chưa từng nhìn thấy. Mọi người đón nhau bằng những cái cúi chào và nụ cười thân thiện. Ngay cả đó là những người xa lạ. Chúng ta thường lướt qua nhau và chỉ nhìn nhau, chỉ tìm nhau khi có việc gì đó. Chúng ta đã quen với chuyện thờ ơ với việc của người khác, giúp đỡ lẫn nhau là điều rất xa xỉ. Nhưng ở Kaizen, người ta học cách nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình, học cách đối xử với nhau như người với người. Học cách bỏ cái Tâm vào công việc để thành công không chỉ đến với mình mà còn đem lại lợi ích cho người khác. Học cách suy nghĩ lạc quan, tìm niềm vui ngay cả khi con đường mình đi toàn gai góc. Học cách duy trì và nâng cao sức khoẻ để đến gần hơn với ước mơ của mình…..

“Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống
Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu”

Một ngày nọ, tôi đứng sau ô cửa kính phòng giáo viên và nhìn những thầy, cô tôi vẫn nghĩ khó tính, hay la mắng chúng tôi. Thầy bỏ cặp mắt kính xuống , đôi mắt thâm quầng, nếp nhăn nhiều dần trên trán, Cô thì nhè nhẹ bóp cái đầu đang đau. Hình ảnh đó làm tôi nhớ đến những ông đồ già ngày xưa. Có lẽ nếu không đứng sau ô cửa kính kia thì tôi sẽ không bao giờ thấy được những điều này. Thầy cô luôn đến lớp với 1 tinh thần khoẻ khoắn và đầy năng lượng. Tuy nhiên, chính chúng tôi, những con người mang nhiều cá tính như những chú ngựa hoang chưa được thuần hoá, còn suy nghĩ nông cạn, còn luôn cho mình là đúng đã không ít lần làm thầy cô phải buồn.

Bây giờ, tôi đã luôn cảm thấy mong chờ những bài học, những trải nghiệm mới tại Kaizen. Luôn cảm nhận được tâm huyết từ những người Thầy và thấy yêu nơi này đến lạ. Tôi đã không còn tìm đến những bụi cỏ 3 lá nữa. Bởi tôi tin khi tôi cố gắng và làm việc có Tâm, tự khắc tôi sẽ thấy cỏ 4 lá của riêng mình. Tôi đã viết những trang nhật ký thay đổi cuộc đời bắt đầu từ những dòng chữ:  “Esuhai-Kaizen, ngày …tháng … năm…”

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này